![]() |
Boeing đã bị tạm dừng các đơn hàng giao máy bay tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Một trong những biểu tượng công nghiệp của nước Mỹ - hãng sản xuất máy bay Boeing - đang hứng chịu cơn địa chấn lớn khi Trung Quốc bất ngờ ngừng tiếp nhận máy bay mới và linh kiện hàng không từ nhà sản xuất này.
Động thái mới nhất từ Bắc Kinh không chỉ giáng đòn mạnh vào cổ phiếu Boeing mà còn làm dấy lên lo ngại về tương lai của ngành hàng không Mỹ trong cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng khốc liệt.
Áp lực bủa vây
Ngay sau khi thông tin Trung Quốc ra lệnh cấm các hãng hàng không quốc doanh đặt thêm đơn hàng mới và yêu cầu xin phê duyệt trước khi nhận máy bay Boeing đã đặt trước, cổ phiếu Boeing lập tức lao dốc gần 4% phiên 15/4. Tính từ đầu năm 2025, mã cổ phiếu này đã mất tới 12% giá trị.
Theo ước tính của Bernstein Research, nếu các đơn hàng trong tương lai bị hủy bỏ, Boeing có thể thiệt hại ít nhất 1,2 tỷ USD dòng tiền mặt. Dù hãng có thể chuyển hướng các máy bay này sang khách hàng khác, trong bối cảnh nhu cầu bay đang giảm và nhiều hãng hàng không Mỹ cắt giảm đội bay, đây không phải nhiệm vụ dễ dàng.
Trung Quốc từng là một trong những thị trường trọng điểm của Boeing - chiếm khoảng 20% sản lượng giao hàng quốc tế. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai bên bắt đầu rạn nứt sau loạt tai nạn của dòng 737 MAX và các căng thẳng thương mại leo thang dưới thời chính quyền ông Trump.
Trong báo cáo thường niên năm 2024 công bố tháng 2 vừa qua, Boeing nhấn mạnh Trung Quốc là “một thị trường quan trọng” có thể bị ảnh hưởng nếu quan hệ thương mại và địa chính trị tiếp tục xấu đi.
“Nếu chúng tôi không thể giao hàng đúng như dự kiến, hoặc không giành được thêm đơn hàng mới từ Trung Quốc, doanh số và thị phần toàn cầu của Boeing sẽ bị ảnh hưởng đáng kể”, báo cáo viết.
![]() |
Thị trường Trung Quốc chiếm một phần không nhỏ sản lượng giao hàng quốc tế của Boeing. Ảnh: Reuters. |
Trong 5 năm qua, lượng máy bay Boeing giao cho Trung Quốc đã giảm tới 84% so với giai đoạn trước, theo Wall Street Journal.
Boeing chỉ vừa nối lại việc giao máy bay cho Trung Quốc vào mùa hè năm ngoái, sau hơn 3 năm gián đoạn. Giờ đây, nguy cơ mất trắng thị trường này lần nữa lại đe dọa tương lai tài chính của hãng.
"Việc giao thương trong ngành hàng không đang bị biến thành một quân cờ mặc cả trong các cuộc đàm phán thuế quan", chuyên gia Josh Sullivan từ Benchmark cảnh báo.
Gần đây nhất, hãng China Southern Airlines đã đột ngột hủy kế hoạch bán lại 10 chiếc Boeing 787-8 Dreamliner, với lý do “các yếu tố ảnh hưởng đến giao dịch tài sản”. Nhiều đồn đoán cho rằng quyết định này có liên quan đến việc chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh hạn chế mới và mức thuế nhập khẩu hàng không Mỹ tăng lên đến 125%.
Không chỉ China Southern, nhiều hãng hàng không quốc doanh Trung Quốc khác như Air China, China Eastern hay Hainan Airlines cũng có thể quay lưng với Boeing để tìm đến Airbus (Pháp) hoặc các nhà sản xuất trong nước như COMAC, Business Insider cho biết.
Trong bối cảnh nguồn cung máy bay và linh kiện toàn cầu đang thiếu hụt nghiêm trọng, cú sốc từ Trung Quốc có thể chưa gây ra tác động tức thì. Tuy nhiên, về dài hạn, đây sẽ là gánh nặng đáng kể cho Boeing - hãng xuất khẩu lớn nhất nước Mỹ.
Hiện tại, Boeing có đơn hàng tồn trị giá khoảng 500 tỷ USD, theo phân tích của J.P. Morgan. Tuy nhiên, hãng cũng đang chật vật tìm đầu ra cho hàng trăm chiếc máy bay gần hoàn thiện đang bị "đắp chiếu" chờ khách mua.
Trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ hồi đầu tháng, CEO Kelly Ortberg của Boeing nhấn mạnh: “Điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục giữ được quyền tiếp cận những thị trường chiến lược, và không để một số thị trường bị đóng cửa với hàng hóa Mỹ”.
Khoảng 80% số máy bay thương mại mà Boeing sản xuất hiện được xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Nếu Trung Quốc thực sự đóng cửa với Boeing, hệ lụy sẽ không chỉ dừng ở tài chính, mà còn là uy tín và vị thế cạnh tranh toàn cầu của hãng.
Ngành hàng không Mỹ cũng chịu tác động
Phát biểu trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Donald Trump cáo buộc Trung Quốc “phá vỡ thỏa thuận lớn” với Boeing - một tuyên bố làm dấy lên lo ngại rằng các lệnh áp thuế và biện pháp trả đũa thương mại sẽ tiếp tục leo thang.
Trong khi đó, giới phân tích cảnh báo rằng ngành hàng không toàn cầu có thể bị ảnh hưởng nếu căng thẳng tiếp tục kéo dài.
“Nếu lệnh hạn chế này chỉ là tạm thời, tác động sẽ không quá nghiêm trọng. Nhưng nếu kéo dài và dẫn đến hủy đơn hàng thực sự, hậu quả sẽ rất lớn”, chuyên gia Sullivan nhận định.
Hiện Boeing đang nỗ lực giao nốt các máy bay gần hoàn thiện đang bị tồn kho, trong khi các suất sản xuất mới gần như đã được đặt kín đến cuối thập kỷ. Tuy vậy, sức ép từ đối thủ Airbus - vốn đang nhận được nhiều đơn hàng từ Trung Quốc - và làn sóng bảo hộ công nghiệp tại các nền kinh tế lớn, khiến triển vọng phục hồi của Boeing ngày càng mờ mịt.
Không chỉ riêng Boeing, các nhà cung ứng máy bay và linh kiện hàng không tại Mỹ cũng đang bắt đầu cảm nhận tác động dây chuyền.
![]() |
Hãng hàng không Delta Airlines của Mỹ đang tiến hành cắt giảm đội bay, làm gia tăng áp lực đến với Boeing và các nhà sản xuất máy bay. Ảnh: Reuters. |
Các hãng bay tại nước này cũng đang cắt giảm đội tàu, khiến nhu cầu máy bay mới sụt giảm. Trong hai tháng qua, Delta, United và Frontier đã cho dừng một loạt máy bay và thu hẹp lịch bay do lượng khách du lịch và doanh nhân giảm mạnh.
Theo nhà phân tích Scott Mikus từ Melius Research, xu hướng “nghỉ hưu sớm” này có thể tiếp tục lan rộng và gây sức ép lớn hơn lên các nhà sản xuất máy bay.
Không riêng Trung Quốc, một số hãng hàng không lớn khác cũng đang tính toán lại kế hoạch mua máy bay từ Mỹ. Hai trong số những hãng bay lớn nhất thế giới - Ryanair (châu Âu) và Delta Airlines (Mỹ) - từng lên tiếng cảnh báo sẽ trì hoãn nhận máy bay Boeing nếu chính phủ áp thuế lên đơn hàng của họ.
“Chúng tôi có thể trì hoãn và chờ đợi rằng sự tỉnh táo sẽ quay trở lại”, CEO Ryanair Michael O’Leary phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times ngày 16/4.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.