Bộ Công an đề xuất thanh tra thị trường vàng

13/07/2025 16:01

Bộ Công an góp ý về việc thanh tra thị trường vàng 3 năm/lần, Bộ Công thương yêu cầu làm rõ các vấn đề liên quan vốn điều lệ doanh nghiệp và ngân hàng có sự chênh nhau lớn khi được tham gia sản xuất vàng miếng.


Thanh tra thị trường vàng 3 năm/lần

Bộ Công an đã góp ý cho d ự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012 , trong đó có nội dung tăng cường quản lý Nhà nước, thực hiện chế tài để kiểm soát, ổn định đối với hoạt động kinh doanh vàng.

Theo đó, Bộ Công an cho rằng cần xem xét, bổ sung quy định cụ thể về cơ chế quản lý, giám sát, hậu kiểm đối với đơn vị được cấp phép sản xuất vàng miếng và việc xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu, vàng miếng của các đơn vị này. Bộ Công an đề nghị nghiên cứu, xem xét bắt buộc các đơn vị này phải thực hiện kiểm toán độc lập chuyên đề định kỳ (hàng năm) đối với hoạt động sản xuất vàng miếng và xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu, vàng miếng .

Bộ Công an đề xuất thanh tra thị trường vàng- Ảnh 1.

"Cần xem xét, bổ sung quy định tối thiểu 3 năm hoặc 5 năm một lần, Ngân hàng Nhà nước chủ trì thanh tra thị trường vàng và các tổ chức có hoạt động kinh doanh vàng", Bộ Công an đồng thời kiến nghị.

Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.

Bộ Công an đánh giá dự thảo Nghị định đề cập nhiều hình thức giấy phép, nguy cơ xuất hiện cơ chế "giấy phép mẹ" tạo ra nhiều " giấy phép con ".

Cơ chế cấp hạn ngạch sản xuất vàng miếng, nhập khẩu vàng nguyên liệu theo từng năm, từng lần dễ dẫn đến tiêu cực trong cấp phép, nguy cơ tập trung độc quyền sản xuất vàng miếng, nhập khẩu, phân phối vàng nguyên liệu vào nhóm đơn vị được cấp phép. Đồng thời, điều này sẽ gây khó khăn trong quản lý việc sản xuất, nhập khẩu vượt hạn mức và việc mua bán giấy phép/hạn ngạch, nếu thiếu cơ chế quản lý, giám sát, hậu kiểm chặt chẽ.

Ngoài ra, Bộ Công an cho rằng các "giấy phép con" khác như giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm... có thể tăng áp lực về thủ tục hành chính, tạo rào cản cho hoạt động kinh doanh vàng của doanh nghiệp.

Về cơ chế "cân trạng thái vàng", phòng ngừa rủi ro biến động giá, Bộ Công an nhận thấy cơ chế cho phép các đơn vị được cấp phép sản xuất vàng miếng và nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng, nhưng không đề cập cụ thể các biện pháp để các đơn vị này có thể cân trạng thái vàng, cân/chốt giá vàng trong ngày để phòng ngừa rủi ro biến động giá vàng.

Trong khi đây là ngành có rủi ro phụ thuộc vào giá vàng thế giới biến động và có tỷ suất sinh lợi thấp, nếu không có biện pháp "phòng thủ" chốt giá, thì từ lúc mua vàng trên sàn vàng thế giới đến khi nhập khẩu, sản xuất và bán ra thị trường, các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại sản xuất vàng có thể gánh chịu toàn bộ rủi ro này.

Từ đó, Bộ Công an cũng chỉ ra nguy cơ sẽ không thể khuyến khích các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại nhập vàng về sản xuất, phân phối để giảm chênh lệch khi giá vàng thế giới cao hơn giá vàng trong nước theo định hướng của Nhà nước, cũng như nguy cơ các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sử dụng các biện pháp không phù hợp, trái quy định pháp luật để cân trạng thái vàng.

Làm rõ vốn điều lệ doanh nghiệp được sản xuất vàng miếng

Bộ Công Thương cũng góp ý làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức tín dụng , doanh nghiệp được cấp giấy phép sản xuất vàng miếng, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc ổn định thị trường vàng khi có những biến động bất thường.

Bộ này đề nghị làm rõ tại sao lựa chọn mức vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp; 50.000 tỷ đối với tổ chức tín dụng sản xuất vàng miếng; làm rõ tại sao cùng một hoạt động sản xuất nhưng với loại hình doanh nghiệp khác nhau lại có chênh lệch mức vốn là 50 lần. Việc lựa chọn mức vốn này có dẫn đến chỉ lựa chọn một số đối tượng cụ thể hay không? Có phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW hay không?

Giải trình vấn đề này của Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc xây dựng điều kiện cấp phép nhằm lựa chọn các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại có đủ năng lực tài chính, tuân thủ pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng để thực hiện sản xuất vàng miếng, theo đúng kết luận của Tổng Bí thư tại TBKL số 211 về việc xoá bỏ thế độc quyền nhà nước về thương hiệu vàng miếng một cách có kiểm soát trên nguyên tắc nhà nước vẫn kiểm soát hoạt động sản xuất vàng miếng. Với quy định này, các doanh nghiệp không phân biệt loại hình sở hữu đều có thể được xem xét cấp phép.

Ngân hàng thương mại là loại hình doanh nghiệp đặc biệt và thường có quy mô vốn điều lệ cao hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác. Do đó, quy định điều kiện về vốn đối với ngân hàng thương mại cần phù hợp với đặc điểm của loại hình doanh nghiệp này và không đặt trong tương quan với điều kiện về vốn đối với các doanh nghiệp chỉ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng.

 

Bạn đang đọc bài viết "Bộ Công an đề xuất thanh tra thị trường vàng" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.