Bán mất 'gà đẻ trứng vàng', đại gia cấp nước TP.HCM thua lỗ trở lại

19/05/2025 20:13

Quý IV năm ngoái, Saigon Water bất ngờ báo lãi kỷ lục sau nhiều năm thua lỗ nhờ việc bán đi tài sản cốt lõi. Đến quý đầu năm nay, công ty lại rơi vào vòng xoáy kinh doanh bết bát.

Saigon Water hụt thu khi bán nhà máy nước Tân Hiệp 2. Ảnh: Tân Hiệp 2.

CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn - Saigon Water (UPCoM: SII) từng có chuỗi 9 năm liền báo lãi ổn định sau khi niêm yết trên HoSE vào tháng 8/2012.

Tuy nhiên, kể từ năm 2020, doanh nghiệp cấp nước này rơi vào vòng xoáy thua lỗ kéo dài, cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc và chuyển sang giao dịch trên UPCoM vào năm 2023.

Tình trạng làm ăn kém tích cực tiếp tục kéo dài đến hết quý III/2024. Nhưng đến quý cuối năm ngoái, Saigon Water bất ngờ công bố khoản lợi nhuận cao nhất lịch sử. Dù vậy, phần lớn khoản lợi nhuận đột biến này không đến từ hoạt động cốt lõi mà xuất phát từ các thương vụ thoái vốn công ty con.

Lãi đậm nhờ bán tài sản

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, Saigon Water đạt hơn 266 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 9% so với năm liền trước. Biến động lớn nhất trong kết quả kinh doanh năm 2024 của công ty này lại nằm ở doanh thu tài chính tăng vọt lên 661 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần năm 2023. Trong đó, 84% là lợi nhuận từ thoái vốn đầu tư.

Nhờ đó, Saigon Water ghi nhận lợi nhuận sau thuế 552 tỷ đồng năm ngoái, mức cao nhất kể từ khi thành lập, trong khi năm 2023 công ty vẫn lỗ gần 39 tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo, phần lớn khoản lãi tài chính kể trên đến từ việc Saigon Water chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Kỹ thuật Enviro và CTCP Đầu tư Nước Tân Hiệp - đơn vị sở hữu nhà máy nước Tân Hiệp 2 với công suất thiết kế lên tới 300.000 m3/ngày, vượt trội so với mức sản lượng bình quân chỉ 85.711 m3/ngày của các nhà máy con thuộc Saigon Water.

Cụ thể, ngày 11/11/2024, HĐQT Saigon Water đã thông qua kế hoạch thoái vốn tại Tân Hiệp và CTCP B.O.O Nước Thủ Đức với tổng giá trị thoái vốn tối thiểu 900 tỷ đồng. Đây là 2 tài sản quy mô lớn, chiếm gần một nửa tổng giá trị tài sản của công ty nếu tính theo giá thoái vốn.

Sau đó, ngày 18/12/2024, Saigon Water ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Tân Hiệp. Đến cuối năm 2024, công ty đã bán được 95% cổ phần nắm giữ (tương đương 40,85% vốn điều lệ của Tân Hiệp), phần còn lại dự kiến hoàn tất trong năm 2025.

Đáng chú ý, trong báo cáo thường niên 2024, Saigon Water từng đánh giá nhà máy nước Tân Hiệp 2 là “gà đẻ trứng vàng” với tỷ suất lợi nhuận ròng trung bình 42% trong giai đoạn 2021-2024 và riêng năm 2024 lên tới 45%. Công ty từng kỳ vọng tỷ suất này có thể cải thiện hơn nữa khi nhà máy chạy hết công suất và giảm dần gánh nặng nợ vay.

SAIGON WATER TRỞ LẠI QUỸ ĐẠO THUA LỖ SAU QUÝ IV/2024 LÃI ĐỘT BIẾN
KQKD hàng quý của Saigon Water; Nguồn: BCTC DN.
NhãnI/2023IIIIIIVI/2024IIIIIIVI/2025
Doanh thu thuần tỷ đồng 566159676460676570
Lợi nhuận sau thuế
-13-6-13-7-4-0.3-3675-50

Sau thương vụ thoái vốn, số dư tiền và tương đương tiền tại thời điểm cuối năm 2024 của Saigon Water tăng vọt lên hơn 295 tỷ đồng (tăng 259 tỷ so với quý trước).

Tuy nhiên, khoản phải thu cho vay ngắn hạn của công ty cũng tăng mạnh từ 127 tỷ lên hơn 620 tỷ đồng.

Các khoản cho vay mới xuất hiện từ quý IV/2024 gồm: CTCP Thương mại dịch vụ sản xuất Bình An An, Đầu tư và Phát triển ANA, VII Land và Đầu tư T&D Việt Nam. Tổng số tiền cho nhóm doanh nghiệp này vay lên tới hơn 500 tỷ đồng.

Bước sang quý I/2025, Saigon Water tiếp tục cho CTCP Kinh doanh Bảo Phúc vay thêm 150 tỷ đồng. Đến hết quý này, tổng giá trị cho vay (gồm cho công ty con và bên ngoài) của công ty đã đạt hơn 770 tỷ đồng, tương đương 72% tài sản ngắn hạn và gần 28% tổng tài sản.

Đáng chú ý, sau khi bán mất "gà đẻ trứng vàng" nhà máy nước Tân Hiệp 2, Saigon Water đã lập tức trở lại quỹ đạo thua lỗ. Trong quý I/2025, công ty báo lỗ sau thuế gần 50 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2025, công ty này đặt mục tiêu doanh thu dự kiến 347 tỷ đồng, giảm 63% so với kết quả năm trước, và đặt mục tiêu lỗ sau thuế 23 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo thừa nhận lợi nhuận hợp nhất năm nay sẽ sụt giảm mạnh do không còn đóng góp từ nhà máy nước Tân Hiệp 2.

Ông chủ đứng sau Saigon Water

Saigon Water tiền thân là CTCP Xây dựng Việt Thành, thành lập năm 2004. Tính đến đầu năm 2025, công ty có vốn điều lệ 645 tỷ đồng.

Hiện Saigon Water là chủ đầu tư và vận hành nhiều nhà máy xử lý nước sạch tại TP.HCM và các tỉnh lân cận như nhà máy nước Saigon Pleiku, Saigon An Khê và Nước sạch Gia Lai (Gia Lai), Nước sạch Củ Chi (TP.HCM), Saigon Dan Kia (Lâm Đồng).

Cơ cấu cổ đông của Saigon Water rất cô đặc với 3 cổ đông lớn nắm giữ đến 99,5% vốn điều lệ. Trong đó, CTCP Đầu tư Ngành nước DNP (DNP Water) là cổ đông chi phối với tỷ lệ sở hữu 50,6%. Xếp sau là Manila Water South Asia Holdings (38%) và quỹ đầu tư VIAC (No.1) Limited Partnership (10,9%).

CƠ CẤU CỔ ĐÔNG CỦA SAIGON WATER
Nguồn: BCTN DN.
NhãnDNP WaterManila WaterViacKhác
Tỷ lệ sở hữu % 50.63810.90.5

Công ty từng có cổ đông lớn là CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII). Tuy nhiên, năm 2023, cổ đông DNP Water đã liên tục mua vào và nâng tỷ lệ nắm giữ lên trên 50%, trở thành công ty mẹ của Saigon Water.

Đáng chú ý, DNP Water là công ty thành viên của DNP Holding - doanh nghiệp hoạt động trong 2 lĩnh vực chiến lược là nhựa và nước sạch với mạng lưới hàng chục nhà máy trải dài trên nhiều tỉnh thành cả nước.

DNP Holding là cái tên gắn liền doanh nhân Vũ Đình Độ trong hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, tháng 5/2024, ông Độ đã từ nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT DNP Holding. Theo báo cáo cập nhật đến cuối năm 2023, ông Độ là cổ đông lớn nắm trực tiếp 10,75% cổ phần tại DNP Holding.

Tại Saigon Water, ảnh hưởng của hệ sinh thái DNP Holding không chỉ thể hiện ở tỷ lệ sở hữu mà còn thấy rõ trong ban lãnh đạo công ty.

Theo đó, ông Hoàng Minh Hùng, Chủ tịch HĐQT Saigon Water, cũng đồng thời là Tổng giám đốc DNP Water (tính đến cuối năm 2024). Tổng giám đốc Saigon Water là ông Lều Mạnh Huy cũng đồng thời giữ chức Phó tổng giám đốc tại DNP Water. Bên cạnh đó, ông Ngô Đức Vũ, Chủ tịch DNP Water, hiện là Phó chủ tịch DNP Holding.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bạn đang đọc bài viết "Bán mất 'gà đẻ trứng vàng', đại gia cấp nước TP.HCM thua lỗ trở lại" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.