9 ngân hàng giúp TP.HCM huy động vốn đầu tư các dự án trọng điểm

12/01/2025 06:00

Thỏa thuận hợp tác được ký kết trong bối cảnh TP.HCM đang cần huy động khoảng 620.000 tỷ đồng vốn đầu tư xã hội trong năm nay và 5 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2026-2030.

Nhu cầu về nguồn vốn phục vụ đầu tư các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM rất lớn. Ảnh: Quỳnh Danh.

Chiều 6/1, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với 9 ngân hàng gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, VPBank, MB, ACB, Sacombank và Saigonbank, nhằm tăng cường huy động nguồn vốn và thúc đẩy đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm của TP.HCM.

Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm

Triển khai Nghị quyết 98, HFIC - định chế tài chính công của TP.HCM - được giao cơ chế là đầu mối cho vay triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất đối với các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Đồng thời, HFIC có nhiệm vụ kết nối, huy động tối đa các nguồn lực thúc đẩy, hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP, trong đó có nhận ủy thác phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

Theo ông Trương Tuấn Anh, Tổng giám đốc HFIC, đơn vị đã làm việc với các tổ chức tín dụng, nghiên cứu các cơ chế hợp tác phù hợp và thống nhất đi đến ký kết thỏa thuận hợp tác để thực hiện các nhiệm vụ vì mục tiêu phát triển của TP.

Cụ thể, HFIC và các ngân hàng sẽ cùng tài trợ các dự án thuộc chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 98 thông qua cơ chế cho vay hợp vốn.

Thứ hai, các bên sẽ hợp tác huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển hạ tầng TP, tham gia đầu tư trái phiếu chính quyền địa phương, giới thiệu trái phiếu của TP đến các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính.

Thứ ba, đơn vị sẽ cùng các ngân hàng nghiên cứu và triển khai các cơ chế tài chính phù hợp, mở rộng cơ hội huy động vốn trên thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ đầu tư phát triển các dự án hạ tầng của TP.

Ông Trương Tuấn Anh cho biết thỏa thuận hợp tác dựa trên cơ sở phát huy các khả năng, lợi thế và mở rộng khả năng kết nối, phát huy tiềm lực của các bên.

"Hợp tác này không chỉ là cam kết giữa các đơn vị mà còn là tình cảm và trách nhiệm đối với sự phát triển của TP. Chúng ta cùng nhau không chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn xây dựng khát vọng cho một TP nghĩa tình, văn minh và bền vững", ông Tuấn nói, đồng thời khẳng định HFIC sẽ không ngừng nâng cao năng lực quản trị, đổi mới phương pháp làm việc để hợp tác hiệu quả nhằm đạt được những kết quả bền vững.

Qua hợp tác này, HFIC cũng mong muốn các tổng công ty và doanh nghiệp của TP.HCM nghiên cứu tham gia chương trình vay vốn hỗ trợ lãi suất và tiếp tục cùng hợp tác, không chỉ nhằm phục vụ mục tiêu phát triển của từng đơn vị, mà còn chung tay tạo lập những bước đi chiến lược cùng phát triển TP trong thời gian tới.

hfic,  tphcm anh 1

HFIC ký kết thỏa thuận hợp tác với 9 ngân hàng chiều 6/1. Ảnh: N.H.

Chia sẻ tại lễ ký kết, ông Đặng Hoài Đức, Phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết từ năm 2015 đến 2021, UBND TP.HCM đã phê duyệt 281 dự án với tổng mức đầu tư hơn 28.884 tỷ đồng, trong đó số vốn được ngân sách hỗ trợ lãi vay là 13.949 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều doanh nghiệp đã phát triển lớn mạnh, có mặt trong những top doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ trọng yếu của TP.HCM.

Hiện nay, chương trình cho vay kích cầu đầu tư của TP.HCM được tái khởi động theo Nghị quyết 09 của HĐND TP, không chỉ là bước đi kịp thời giúp doanh nghiệp đứng vững, mà còn tạo đà cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Với vai trò chủ lực trong lĩnh vực ngân hàng, Vietcombank đã giảm lãi suất 0,5-2% đối với các lĩnh vực ưu tiên, cũng như triển khai các gói tín dụng trị giá hàng trăm nghìn tỷ với lãi suất ưu đãi giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn.

Trong giai đoạn vừa qua, các chi nhánh Vietcombank trên địa bàn TP.HCM đã phối hợp HFIC để triển khai hợp vốn cho 41 dự án kích cầu, với tổng số vốn cho vay là 2.894 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 2.039 tỷ đồng, đạt hơn 70%.

Thời gian tới, ông Đặng Hoài Đức cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp HFIC triển khai và phát triển chương trình tín dụng cho vay các lĩnh vực ưu tiên để phát triển kinh tế xã hội TP.HCM.

Đồng thời, cam kết chung sức huy động vốn phục vụ các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm của TP.HCM, thông qua tham gia đầu tư trái phiếu chính quyền địa phương và giới thiệu trái phiếu của TP.HCM đến các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính.

Năm 2025 TP.HCM cần ít nhất 620.000 tỷ đồng vốn đầu tư xã hội

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ ký kết, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá đây là cú hích rất quan trọng, mở ra nhiều không gian hợp tác mới giữa TP.HCM và các ngân hàng, các tổ chức tài chính.

Với quy mô GRDP hiện tại của TP.HCM là 1,78 triệu tỷ đồng, ông Mãi cho rằng việc tăng trưởng 2 con số theo chủ trương, chỉ đạo của Trung ương không đơn giản.

Để đạt mục tiêu này, TP.HCM ước tính cần nguồn vốn đầu tư khoảng 620.000 tỷ đồng, trong đó có 110.000 tỷ đồng đầu tư công và huy động khoảng 370.000 tỷ đồng từ hệ thống ngân hàng.

"Còn khoảng 140.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối và các nguồn khác, trong đó có chương trình hợp tác hôm nay", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

Đánh giá rất cao đóng góp của hệ thống ngân hàng cũng như tiềm năng hợp tác giữa HFIC và 9 ngân hàng, Chủ tịch TP.HCM tin tưởng các đơn vị sẽ đóng góp vào đầu tư, tăng trưởng của TP, và duy trì không chỉ cho năm 2025 mà còn các năm tiếp theo.

Trong kế hoạch trung hạn 2026-2030, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 9-10%/năm, tương ứng tổng vốn đầu tư xã hội ít nhất 4,4 triệu tỷ đồng. Thậm chí, Thủ tướng giao TP huy động ít nhất 5 triệu tỷ đồng.

"Đây là con số rất lớn, chúng tôi xác định đóng góp của ngân hàng rất quan trọng và đóng vai trò quyết định. Mong hệ thống ngân hàng tham gia cùng TP, trong đó có chương trình hợp tác này", Chủ tịch Mãi bày tỏ.

Ông cũng kỳ vọng hợp tác này không chỉ mang đến nguồn vốn cho TP, mà chính các ngân hàng cũng mang đến kinh nghiệm đánh giá và quản lý dự án để nâng cao khả năng thực thi các dự án trọng điểm của TP.

Ông cũng mong muốn hợp tác không chỉ dừng lại ở các trái phiếu chính quyền địa phương, mà sẽ tiếp tục mở rộng đối với trái phiếu công trình dự án cho TP.HCM, đơn cử như dự án hoàn thành 355 km đường sắt đô thị đến năm 2035, tương ứng nguồn vốn khoảng 40 tỷ USD. Bên cạnh đó còn có các dự án PPP trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục, xã hội...

"Chúng tôi mong muốn không chỉ HFIC mà các ngân hàng, công ty đầu tư của ngân hàng hoặc đối tác của ngân hàng cũng tham gia. Bởi đây là lĩnh vực tiềm năng, hiệu quả cho kinh doanh của các ngân hàng, và cũng sẽ là kênh dẫn vốn tín dụng ngân hàng an toàn, hiệu quả", Chủ tịch Mãi nhấn mạnh.

Vè phía UBND TP, ông khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu để báo cáo với Chính phủ, Quốc hội có những cơ chế phát huy hơn nữa mô hình HFIC. Do đó, qua hợp tác này, ông mong các ngân hàng góp ý cho HFIC cách triển khai hiệu quả hơn, có những chính sách mạnh mẽ hơn, và các ngân hàng sẽ tham gia cùng thí điểm các cơ chế chính sách, mô hình với tinh thần các bên tham gia cùng có lợi. TP.HCM cũng cần sự hỗ trợ, tư vấn từ các ngân hàng về cơ chế huy động vốn.

"Chúng tôi mong có nhiều hơn nữa các ngân hàng tham gia chương trình, nhiều hơn nữa sự hợp tác của các ngân hàng với TP.HCM về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội", Chủ tịch Mãi chia sẻ.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bạn đang đọc bài viết "9 ngân hàng giúp TP.HCM huy động vốn đầu tư các dự án trọng điểm" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.