Tích luỹ, phản ứng, đầu cơ và hoảng loạn: VN-Index đang ở giai đoạn nào trong chu kỳ kinh tế?

28/03/2024 08:14

Bên cạnh chính sách tiền tệ nới lỏng và tăng trưởng doanh nghiệp hồi phục, thị trường còn kỳ vọng tích cực nhờ kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Vĩ mô có nhiều điểm sáng

Tại Hội thảo "Chọn danh mục, đón sóng lớn" do Chứng khoán VPBankS tổ chức, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS đưa ra đánh giá về bối cảnh vĩ mô và chu kỳ TTCK trong nền kinh tế.

Về bối cảnh quốc tế, tổng cầu toàn cầu có tín hiệu phục hồi rõ rệt. Xu hướng hoạt động sản xuất ở Mỹ và châu Âu đang dần phục hồi, chỉ số PMI đều phục hồi trong nửa đầu năm nay, kỳ vọng tạo lực phục hồi khả quan cho hoạt động xuất nhập khẩu. Chỉ số đo lường 10 chỉ tiêu kinh tế lớn nhất của Mỹ đã báo hiệu xu hướng hồi phục củng cố cho việc nền kinh tế đã bước qua thời kỷ rủi ro suy thoái.

Đặc biệt, lạm phát toàn cầu đang trong xu hướng giảm và với tốc độ giảm này thì vấn đề lạm phát không đáng lo ngại trong 2024. 

Về bối cảnh trong nước, Việt Nam trải qua năm 2023 đầy khó khăn, tăng trưởng kinh tế không đạt được mốc 6-6,5% như kỳ vọng nhưng 5,05% cũng là mức cao hơn khu vực. Đặc biệt, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng từ nới lỏng tiền tệ đến tài khóa và các chính sách giảm thuế, phí, đẩy mạnh kích cầu tạo nền tảng vững chắc cho xu hướng phục hồi tích cực của nền kinh tế nửa đầu 2024.

Bối cảnh vĩ mô cũng "sáng" hơn nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất như sản xuất công nghiệp, PMI của VN 2 tháng trên ngưỡng 50 điểm, đơn hàng tăng tốt trở lại ở thị trường lớn. Lĩnh vực xuất nhập khẩu đã tạo đáy trong năm 2023, dần phục hồi vào 2024. Riêng 2 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu tăng 18,6%, tăng tốc nhanh trở lại so với đầu năm 2023. Bên cạnh việc bán lẻ tạo đáy và hình thành xu hướng phục hồi 2024, thặng dư thương mại tiếp tục khả qua và dòng vốn FDI tăng trưởng tích cực.

Ảnh chụp Màn hình 2024-03-27 lúc 20.48.30.png

Nhìn chung, chuyên gia VPBankS kỳ vọng vĩ mô phục hồi tốt, bệ đỡ cho nền kinh tế phục hồi 2 quý đầu năm. Dự báo cho cả năm 2024, Việt Nam hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng tốt và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới, khoảng 5,8% - 6,3%, sát với nhiều nhận định của Tổ chức kinh tế lớn trên thế giới

Về dự báo lạm phát năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm của Việt Nam được cho là sẽ ở mức 3,5-4% với kỳ vọng bất động sản ấm dần trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 sẽ kéo theo sự gia tăng trở lại từ nhóm này, đồng thời rủi ro địa chính trị dai dẳng có thể gây tác động lên giá xăng dầu có thể tăng trở lại. Tuy nhiên mức lạm phát dự kiến sẽ ổn định cho phép NHNN Việt Nam dành nhiều dư địa hơn trong công tác điều hành chính sách tiền tệ so với các Quốc gia khác trên thế giới đang chịu áp lực lạm phát cao hiện nay.

Lãi suất huy động và cho vay sẽ duy trì ở mức thấp, thúc đẩy hoạt động sản xuất và hỗ trợ nhucầu tiêu dùng. Điều này cũng sẽ giúp dòng tiền luân chuyển, tạo con sóng tích cực cho TTCK. Thêm vào đó, chuyên gia cho rằng câu chuyện tỷ giá chỉ là yếu tố ngắn hạn, kỳ vọng vào nửa cuối 2024 khi Fed bắt đầu giảm lãi suất thì chênh lệch lãi suất giữa VND và USD sẽ giảm làm giảm áp lực lên tỷ giá.

VN-Index đang trong chu kỳ nào?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước qua sóng điều chỉnh mạnh của năm 2022 và chuyển sang giai đoạn tích lũy và hồi phục trong năm 2023. Xu hướng thị trường trong năm 2024 sẽ tiếp tục khởi sắc hơn khi được hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tiếp tục được duy trì trong nước khi lãi suất điều hành và lãi suất ngắn hạn đang giảm dần, lợi suất trái phiếu giảm, các gói hỗ trợ kích cầu kinh tế được đưa ra…

Ảnh chụp Màn hình 2024-03-27 lúc 20.34.38.png

Theo chuyên gia, TTCK vẫn đang trong pha uptrend và xu hướng đi lên sẽ kéo dài trong 2 năm tới. Đặc biệt, chính sách nới lỏng và VN-Index có mối tương quan chặt chẽ. Khi lợi suất trái phiếu chính phủ giảm và đi xuống thì thị trường tăng mạnh. Khi lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng mạnh thì thị trường giảm. Xu hướng thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh nhưng chủ đạo là đi lên.

Bên cạnh chính sách tiền tệ nới lỏng và tăng trưởng doanh nghiệp hồi phục, thị trường còn kỳ vọng tích cực nhờ kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Xét về tính chu kỳ trong bối cảnh hiện tại, thị trường mới đang trong giai đoạn "phản ứng" khi thời kỳ đầu nền kinh tế lấy lại tăng trưởng, giá tài sản phục hồi trở lại, lợi suất trái phiếu đi lên, lạm phát duy trì ổn định. 

"Giai đoạn này thị trường có thể xuất hiện những bẫy giảm giá. Bẫy giảm giá xuất hiện là cơ hội để cơ cấu danh mục và mua mới đón sóng trước khi thị trường bước vào giai đoạn đầu cơ", ông Trần Hoàng Sơn chia sẻ.


Bạn đang đọc bài viết "Tích luỹ, phản ứng, đầu cơ và hoảng loạn: VN-Index đang ở giai đoạn nào trong chu kỳ kinh tế?" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: dautuforum@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.