Cà phê Sơn La - hành trình từ cây cải thiện sinh kế, đến thương hiệu đặc sản

29/03/2024 20:30

(THPL) - Với hơn 20.000 ha cây cà phê, cho sản lượng từ 40.000 - 50.000 tấn nhân mỗi năm, Sơn La hiện đang là tỉnh trồng cà phê Arabica lớn nhất miền bắc và là địa phương đứng thứ 2 cả nước trồng loại cây này, chỉ đứng sau tỉnh Lâm Đồng. Ít tai ngờ rằng, sau hơn 70 năm, từ loại cây sinh kế giúp giảm nghèo, cà phê Sơn La trở thành cây đặc sản, tạo nên thương hiệu cho mảnh đất Sơn La.

Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, những người Pháp đã đưa cà phê vào trồng tại Sơn La và một số tỉnh phía Bắc, khiến cho nơi đây trở thành khu vực sản xuất cà phê Arabica cung cấp nguyên liệu quan trọng cho ngành cà phê tại Pháp vào thời điểm đó. Giống cà phê Arabica tại Sơn La được trồng trên các sườn dốc dưới chân dãy núi thấp hoặc trên các đồi nông với độ cao từ 900m đến 1200m. Tại Sơn La, các vùng đất trồng cà phê có vị trí tương tụ vùng Minas Gerais của Brasil. Khí hậu Sơn La mưa nhiều, lạnh vì thế thích hợp để ây cà phê Arabica sinh trưởng tốt và cho chất lượng cao.

Sơn La có những loại đất trong nhóm đất đỏ vàng thích hợp với cây cà phê như Fk, Fv, Fs… Địa phương này lại nằm ở vĩ độ khá cao về phía Bắc (20039’ - 22002’ vĩ độ Bắc) nên không phải tưới nước, do đó mặc dù cây cà phê không được trồng ở vùng đất đỏ bazan và không nằm ở độ cao lý tưởng như các tỉnh Tây Nguyên song cây cà phê Arabica tại Sơn La vẫn có sức sống rất mãnh liệt.

Cây cà phê Arabica tại Sơn La 

Từ những năm 1990, cây cà phê được người dân Sơn La đem vào trồng đại trà để thay thế cho những giống cây ngắn ngày như ngô, sắn. Người dân nhận thấy, cây cà phê phù hợp với điều kiện tự nhiên, so với cây trồng ngắn ngày, cà phê mang lại lợi ích kinh tế cao hơn, chi phí đầu tư, công chăm sóc ít. Từ đó, cây cà phê có mặt khắp các triền đồi, thung lũng, xen trong vườn cây ăn quả của các hộ dân tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp, Yên Châu và TP. Sơn La… Cà phê đã trở thành cây công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Cũng trong giai đoạn này, trên địa bàn tỉnh Sơn La bắt đầu hình thành mạng lưới các hợp tác xã, doanh nghiệp trồng, chế biến sản phẩm cà phê như: Hợp tác xã cà phê Bích Thao, Hợp tác xã Ara-Tay Coffe Sơn La, Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến - MTG (Minh Tiến Group)…

Theo ông Lèo Văn Toan - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hua La, TP. Sơn La: Từ năm 1993, cây cà phê được đưa vào trồng trên địa bàn xã. Trải qua gần 30 năm phát triển, đến nay, diện tích cà phê toàn xã đạt hơn 1.300 ha, chiếm trên 60% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Với điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp, cây cà phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương

Ông Nguyễn Xuân Thao - Giám đốc Hợp tác xã cà phê Bích Thao cho biết: Năm 2017, ông đã thành lập Hợp tác xã cà phê Bích Thao với 11 thành viên tham gia, nhằm liên kết những hộ sản xuất cà phê trên địa bàn theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biên, tiêu thụ sản phẩm. Hiện diện tích sản xuất của Hợp tác xã là 150 ha. Đến nay, hợp tác xã cung cấp ra thị trường các sản phẩm cà phê thóc, cà phê nhân, cà phê rang xay và cà phê bột. Đồng thời, mỗi năm Hợp tác xã thu mua, chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu từ 2.000 đến 4.000 tấn cà phê nhân. Năm 2019, sản phẩm cà phê Bích Thao đã được công nhận là cà phê đặc sản. Năm 2020, cà phê Bích Thao tiếp tục vinh dự được vào top 10 thương hiệu cà phê xuất sắc nhất tại Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam và là sản phẩm cà phê đầu tiên của tỉnh Sơn La được công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao quốc gia.

Sản phẩm cà phê Sơn La 

Năm 2017, cây cà phê trên vùng đất Sơn La có bước chuyển mình mạnh mẽ khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La”  cho các loại sản phẩm, như: Cà phê nhân sống; cà phê hạt rang và cà phê bột. Là sản phẩm đặc sản vùng miền; 1 trong 20 sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của Việt Nam. Được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao.

Đến cuối năm 2022, tỉnh Sơn La đã công nhận 2 vùng trồng cà phê ứng dụng công nghệ cao tại 18 bản thuộc 3 xã: Chiềng Ban, Chiềng Chung, Chiềng Dong của huyện Mai Sơn với diện tích 1.039 ha, 1.560 hộ gia đình tham gia. Cũng trong năm đó, toàn tỉnh đã xuất khẩu trên 28.800 tấn cà phê nhân sang thị trường EU, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, các nước Trung Đông, giá trị 82,3 triệu USD. Hiện nay cà phê Sơn La đã xuất khẩu tới gần 20 quốc gia (Nhật, Mỹ, các nước Trung Đông và các nước Châu Âu) và là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Từ “sứ mệnh” xóa đói giảm nghèo, cây cà phê giờ đã trở thành cây công nghiệp chủ lực, cho sản phẩm đặc sản, tạo dựng thương hiệu cho vùng đất Sơn La, đồng thời góp phần khẳng định hình ảnh, thương hiệu cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.

Lâm Tới

Bạn đang đọc bài viết "Cà phê Sơn La - hành trình từ cây cải thiện sinh kế, đến thương hiệu đặc sản" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: dautuforum@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.