Thiếu phi công, ngành hàng không gấp rút 'đặt hàng' đào tạo

24/09/2022 13:52

TTO - Sau dịch COVID-19, ngành hàng không thiếu hụt nhân sự trầm trọng, đặc biệt về phi công. Sự kết hợp liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường để nắm bắt sát thực tế nhằm chuẩn bị nguồn lao động chất lượng, giỏi nghề là hết sức cần thiết.

Thiếu phi công, ngành hàng không gấp rút đặt hàng đào tạo - Ảnh 1.

Vietnam Airlines và Học viện Hàng không Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác về nguồn nhân lực vào chiều tối 22-9 - Ảnh: CÔNG TRUNG

Ông Trịnh Ngọc Thành - phó tổng giám đốc Vietnam Airlines - bày tỏ quan điểm như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online tại sự kiện ký kết giữa Vietnam Airlines và Học viện Hàng không Việt Nam vào chiều tối 22-9.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, sức ép đối với thị trường nhân sự hàng không hiện tại là nguồn cung thiếu trầm trọng. Lực lượng nhân viên hàng không của Việt Nam hiện nay còn yếu về trình độ kỹ thuật, kiến thức xã hội, kỹ năng giao tiếp, ứng xử nghề nghiệp, đặc biệt là kỹ năng mềm còn hạn chế (chủ yếu là ở lĩnh vực khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay) lẫn trình độ tiếng Anh...

Trước tốc độ phục hồi của thị trường hàng không, nếu không nhanh chóng gia tăng tuyển dụng nguồn nhân sự, đặc biệt các nguồn nhân sự đặc thù như phi công, tiếp viên, thợ máy, nguy cơ thiếu hụt là hiện hữu.

"Số lượng đăng ký nhiều nhưng đáp ứng các tiêu chí, đặc biệt về trình độ ngoại ngữ, bằng cấp... nhiều bạn vẫn còn thiếu. Chúng tôi tuyển chọn, sau đó phải đào tạo 2 - 3 tháng về quy trình, nghiệp vụ rất mất thời gian. Nếu không chuẩn bị kỹ sẽ không theo kịp với đà phục hồi của hàng không" - một phó tổng giám đốc của công ty dịch vụ mặt đất chia sẻ.

Điều này khiến các hãng hàng không buộc phải tìm giải pháp thuê nhân lực từ nước ngoài với giá thuê cao gấp nhiều lần so với nhân lực trong nước.

Theo ông Trịnh Ngọc Thành, hãng bay có quy trình đào tạo riêng, tạo ra chất lượng khác biệt với các hãng khác. Với việc hợp tác giữa Vietnam Airlines và Học viện Hàng không sẽ tạo ra nguồn nhân sự chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Thị Hải Hằng - giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam - cho biết sẽ tổ chức nhiều chương trình hướng nghiệp, đào tạo, quan trọng kết hợp lý thuyết và thực tiễn đến sinh viên, phù hợp với nhu cầu của hãng bay.

Theo nội dung thỏa thuận, Vietnam Airlines sẽ ưu tiên tuyển dụng sinh viên của Học viện Hàng không Việt Nam trong các chương trình tuyển dụng lao động chính thức trên cơ sở nhu cầu của hãng. Hai bên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tới sinh viên, học viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của hai bên...

Bạn đang đọc bài viết "Thiếu phi công, ngành hàng không gấp rút 'đặt hàng' đào tạo" tại chuyên mục TIÊU DÙNG. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: dautuforum@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.