Kỳ vọng vào chính sách của tân Tổng thống Donald Trump đẩy đồng USD tăng lên đỉnh 1 năm, dòng tiền rút lui khỏi tài sản trú ẩn

Áp lực bán tiếp tục đè nặng lên thị trường kim loại khi giá mặt hàng bạch kim giảm phiên thứ 4 liên tiếp; giá đồng COMEX suy yếu xuống mức thấp nhất trong 2 tháng.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 13/11. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index đi ngang mức 2.150 điểm.

Đáng chú ý, trong khi kim loại lao dốc, nhóm nguyên liệu công nghiệp dẫn dắt đà đi lên của cả thị trường. Trong đó, giá hai mặt hàng cà phê kéo dài đà tăng sang phiên thứ 3 liên tiếp. Riêng giá cà phê Arabica đã chạm mức cao nhất trong vòng 2 tháng.

Kỳ vọng vào chính sách của tân Tổng thống Donald Trump đẩy đồng USD tăng lên đỉnh 1 năm, dòng tiền rút lui khỏi tài sản trú ẩn- Ảnh 1.

Dòng tiền rời khỏi thị trường kim loại do sức ép từ đồng USD tăng mạnh

Theo MXV, sắc đỏ tiếp tục đeo bám trên thị trường kim loại do sức ép vĩ mô. Đối với kim loại quý, giá bạc giảm 0,31% về gần 31 USD/ounce. Giá bạch kim cũng nối dài đà giảm sang phiên thứ tư liên tiếp khi giảm 0,5%, đưa giá giao dịch về mức 943,5 USD/ounce, tiếp tục duy trì ở vùng thấp nhất 2 tháng.

Kỳ vọng vào chính sách của tân Tổng thống Donald Trump đẩy đồng USD tăng lên đỉnh 1 năm, dòng tiền rút lui khỏi tài sản trú ẩn- Ảnh 2.

Đồng USD mạnh lên tiếp tục là yếu tố gây sức ép mạnh mẽ lên giá các mặt hàng trong nhóm kim loại quý. Sau khi lập đỉnh 4 tháng, chỉ số DXY tiếp tục tăng lên mức đỉnh 1 năm trong phiên hôm qua. Đóng cửa, chỉ số này tăng 0,43% lên 106,48 điểm, đánh dấu phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp.

Giới đầu tư tiếp tục đổ xô đi mua đồng USD, dựa trên kỳ vọng những chính sách mới của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump sẽ có lợi cho nền kinh tế Mỹ, mặc dù những chính sách đó có thể gây thâm hụt lớn trong ngân sách liên bang và dẫn tới lãi suất và lạm phát ở Mỹ cao hơn trong dài hạn.

Tạo thêm áp lực lên giá kim loại quý – một loại tài sản trú ẩn cũng mất đi tính hấp dẫn khi nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn sang những tài sản có độ rủi ro và sinh lời cao hơn như cổ phiếu và tiền điện tử. Trên thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số chính bao gồm Dow Jones hay Nasdaq đã liên tục thiết lập mức đỉnh mới trong thời gian gần đây, trong khi giá bitcoin đã tăng vượt mốc 93.000 USD, cao nhất trong lịch sử.

Đối với kim loại cơ bản, do sức ép đến từ sự mạnh lên của đồng USD và triển vọng nhu cầu yếu tại Trung Quốc đã khiến giá đồng COMEX tiếp tục giảm sâu hơn nữa. Đóng cửa, giá đồng giảm 1,29% về mức 9.001 USD/tấn, mức thấp nhất 2 tháng gần đây.

Dữ liệu mới nhất cho thấy, mức chênh lệch giá đồng nhập khẩu Yangshan tại Trung Quốc, một chỉ báo được theo dõi chặt chẽ về nhu cầu nhập khẩu đồng của nước này, hiện đã giảm 30% xuống còn khoảng 46 USD/tấn, từ mức gần 70 USD ghi nhận vào đầu tháng 10/2024, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu nhập khẩu đồng yếu tại quốc gia tiêu thụ hàng đầu.

Ngoài ra, lực bán đồng cũng tăng mạnh sau khi Citi Research hạ dự báo giá đồng trung bình về mức 8.500 – 9.000 USD/tấn vào cuối năm nay. Tính riêng trong quý IV, giá đồng trung bình dự kiến giảm xuống còn 9.000 USD/tấn, giảm từ mức 9.500 USD/tấn trong dự báo trước.

Giá cà phê Arabica tiến gần mức cao nhất trong hai tháng

Khép lại phiên giao dịch hôm qua, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp, trong đó giá hai mặt hàng cà phê đã có phiên tăng thứ 3 liên tiếp. Trong đó, giá cà phê Arabica tăng 3,1% lên gần 6.000 USD/tấn mức cao nhất gần 3 tháng và giá cà phê Robusta tăng 2,1% lên 4.632 USD/tấn, chạm mức cao nhất trong 4 tuần. Lo ngại về tình hình thời tiết tại Brazil và Việt Nam đã làm lu mờ áp lực từ việc chỉ số Dollar Index và tỷ giá USD/BRL tăng cao.

Kỳ vọng vào chính sách của tân Tổng thống Donald Trump đẩy đồng USD tăng lên đỉnh 1 năm, dòng tiền rút lui khỏi tài sản trú ẩn- Ảnh 3.

Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch chính của niên vụ 2024-2025 trong bối cảnh thị trường lo ngại ảnh hưởng của La Nina, mưa lớn có thể làm gián đoạn tiến độ thu hoạch và giảm sản lượng cà phê. Trong khi đó, Brazil cũng đứng trước rủi ro thiếu nước cho cây cà phê phát triển và thu hoạch niên vụ 2025-2026. Nhà khí tượng học Climatempo cho biết, sau đợt mưa ngắn vào giữa tuần tại Minas Gerais - bang trồng cà phê Arabica lớn nhất Brazil, khu vực này dự kiến sẽ nóng hơn và khô hơn trong 10 ngày tới.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) công bố trong tháng 10/2024 quốc gia này xuất đi 4,93 triệu bao cà phê các loại, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023. Việc đẩy mạnh xuất khẩu được hỗ trợ từ nguồn cung sẵn có sau vụ thu hoạch năm 2024 và nhu cầu cà phê từ nước ngoài tăng cao.

Đáng chú ý, hôm nay là ngày cuối cùng trong cuộc họp quyết định về thời điểm thực hiện quy định nhập khẩu hàng hóa liên quan đến chống phá rừng EUDR của Liên minh châu Âu (EU). Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất hoãn thi hành EUDR thêm 12 tháng và đã nhận được sự chấp thuận từ Hội đồng châu Âu. Nếu cuộc họp thông qua đề xuất này, giá cà phê có thể gặp áp lực khi các quốc gia nhập khẩu từ châu Âu tạm dừng việc đẩy mạnh mua vào như thời gian gần đây.

Tại thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (ngày 14/11), giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ dao động trong khoảng 111.100 - 111.400 đồng/kg, tăng từ 300 - 500 đồng/kg so với hôm qua. Như vậy, hiện giá cà phê trong nước đang cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Link nội dung: https://dautuforum.vn/ky-vong-vao-chinh-sach-cua-tan-tong-thong-donald-trump-day-dong-usd-tang-len-dinh-1-nam-dong-tien-rut-lui-khoi-tai-san-tru-an-206260.html