Cổ phiếu “họ” Đất Xanh hút khách
Cụ thể, kết phiên 13/11, giá cổ phiếu DXG của Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh ở mức 16.400 đồng/cổ phiếu, tăng 2,18% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu khớp lệnh đạt gần 15,3 triệu đơn vị - gấp gần gấp đôi phiên trước.
Cổ phiếu DXG biến động mạnh trong thời gian vừa qua, đặc biệt là thời điểm tháng 9/2024 khi Đất Xanh có giấy phép xây dựng dự án Gem Riverside – một trong những dự án trọng điểm, sẽ được công ty địa ốc này chào hàng trở lại vào đầu năm 2025 này.
Tương tự, cổ phiếu DXS của Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (thuộc “họ” Đất Xanh) tăng trần trong phiên giao dịch hôm nay, cùng thanh khoản đột biến.
Kết phiên 13/11, giá cổ phiếu DXS ở mức 6.790 đồng/cổ phiếu, tăng 6,93% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt gần 4 triệu đơn vị - tăng 2,5 lần so với phiên trước.
Đây là đỉnh giá cao nhất trong 3 tháng trở lại đây của công ty môi giới bất động sản này.
VN-Index thoát hiểm ngoạn mục
Phiên sáng nay, tiếp đà “lao dốc” từ phiên trước đó. Nhóm cổ phiếu blue-chips, đặc biệt là nhiều cổ phiếu nhóm ngân hàng rơi vào cảnh bán tháo ồ ạt, VN-Index bị “bẻ gãy” đáy tháng 9/2024 ở mức quanh 1240 điểm, mất 8,49 điểm tương đương -0,68% và chốt ở mức thấp nhất phiên 1.236 điểm.
May mắn là sau đợt bán tháo, bước vào phiên chiều thị trường dần hồi phục. Nhiều cổ phiếu lớn trên bảng điện tử lấy lại sắc xanh.
VN-Index quay lại mốc 1.246,04 điểm tăng nhẹ 1,22 điểm (+0,10%) kết phiên. Tuy nhiên, hai sàn còn lại không kịp về tham chiếu lần lược mất điểm: HNX-Index giảm 0,48 điểm (-0,21%), dừng tại 226,21 điểm; UPCoM-Index giảm nhẹ 0,02 điểm (-0,05%), tại 92,35 điểm.
Cổ phiếu VCB cố gắng “gồng” chỉ số tăng 0,65% dẫn đầu top 10 ảnh hưởng tích cực nhất góp 0,8 điểm cho chỉ số. Theo sau là VPB, HVN, MWG, FPT. Chiều ngược lại, HPG, GVR, BID, CTG, GAS,… đè nặng chỉ số.
Khối VN30 nỗ lực lấy lại 15 mã tăng giá cùng 4 mã tham chiếu. Cổ phiếu VHM phiên sáng cầm cự sắc xanh đến kết phiên giữ giá tại tham chiếu. Cổ phiếu HPG vẫn bị bán mạnh nhất toàn phiên -1,64% còn 27.050/CP.
Dù thị trường thoát hiểm thành công, song phe bán vẫn chiếm ưu thế với 203 mã giảm, trên 153 mã tăng giá. Thanh khoản trên thị trường tiếp tục ở mức thấp, khi tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt 16.950 tỷ đồng. Riêng trên sàn HoSE, dòng tiền thu về hơn 15.300 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng hồi phục nhẹ đa số không tăng vượt quá mức 1%, trừ VPB +1,31%, còn lại đều dưới 1% có VCB +0,65%, TCB +0,43%, MBB +0,21%, ACB +0,2%, LPB +0,32%, TPB +0,31%, EIB +0,54%,… Ngược lại, BID -0,32%, CTG -0,43%, HDB -0,58%, VIB -0,27%, STB -0,45%,…
Về phía nhóm bất động sản khá nổi bật khi có các trụ lớn trong nhóm dẫn dắt: VIC +0,12%, BCM +0,15%, VRE +0,56%, KDH +0,15%,… nổi bật KBC +2,96%, NVL +2,37%, SNZ +1,19%, DIG +1,23%, DXG +2,18%, DXS tăng kịch trần.
Ngành viễn thông là nhóm có đà tăng mạnh nhất với 0,96% chủ yếu đến từ các mã VGI +0,82%, FOX +1,47%, CTR +5,34% và ELC +2,48%. Theo sau là ngành công nghệ thông tin.
Ở chiều ngược lại, ngành năng lượng có mức giảm mạnh nhất thị trường với -1,97% chủ yếu đến từ mã BSR -2,9%, PVS -1,35%, PVD -1,65% và PVC -2,61%,…
Về giao dịch nhà đầu tư nước ngoài, khối này vẫn chưa dứt chuỗi bán ròng gần 174 tỷ đồng trong phiên hôm nay. Trên HoSE, khối ngoại bán ròng mạnh tay hơn 166 tỷ đồng.
Cổ phiếu VPB chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại với giá trị 104 tỷ đồng. Tiếp theo, SSI -55 tỷ đồng, HPG -43 tỷ đồng và HDB -43 tỷ đồng; VIX cũng bị khối ngoại bán ròng trên 32 tỷ đồng,…
Ngược lại, cổ phiếu MWG, STB và KBC là các cổ phiếu được khối ngoại mua mạnh nhất trên HOSE với giá trị mua ròng từ 47 tỷ tới 50 tỷ đồng. Nhà đầu tư ngoại cũng mua ròng VNM và NVL mỗi mã khoảng 25-33 tỷ đồng.