Nóng lòng với chung cư cấp D

TP HCM có 16 chung cư hư hỏng nặng nhưng sau nhiều năm, vì nhiều lý do mà mới 674/1.194 hộ dân di dời; số chung cư di dời hoàn toàn chỉ một nửa.

Chung cư Vĩnh Hội ở quận 4, TP HCM quy mô 4 tầng với 244 hộ dân có kết quả kiểm định cấp D (hư hỏng nặng, nguy hiểm) từ năm 2016. Đến nay, số hộ di dời khỏi chung cư này đếm trên đầu ngón tay.

Ngại đến nơi tạm cư

Chia sẻ với Báo Người Lao Động ngày 8-11, cư dân ở đây cho biết không mặn mà với nơi tạm cư. Khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa rõ ràng thì họ chọn cách bám trụ thay vì phải chuyển đến nơi ở tạm mới. Với nhà đông thành viên thì lựa chọn ấy càng trở nên quan trọng.

Gia đình anh Tâm có 4 anh em trai đều lập gia đình. Hằng ngày, mẹ anh mở quán nước nhỏ trước nhà kiếm ít tiền trang trải cuộc sống. Nếu đi tạm cư thì mẹ anh không biết kiếm thu nhập bằng gì. 

"Dù biết ở lại cũng nguy hiểm nhưng không có lựa chọn khác. Người dân ở lại đến khi rõ phương án bồi thường, tái định cư chứ giờ đi tạm cư cũng không biết làm gì ra tiền" - người phụ nữ nói, đồng thời cho hay vì nhiều cân nhắc nên đến nay chung cư Vĩnh Hội chỉ 12/244 hộ di dời tới nơi tạm cư, so với đúng 1 năm trước thì không tăng thêm hộ nào.

Nóng lòng với chung cư cấp D- Ảnh 1.

Chung cư Vĩnh Hội mới chỉ 12/244 hộ di dời

Tương tự, tại quận 6, TP HCM, chung cư 119B Tân Hòa Đông được điều chỉnh quy hoạch sang chức năng đất giáo dục. Trong lúc chờ phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, 70/80 hộ dân đã sang tạm cư tại chung cư 243 Tân Hòa Đông. Cũng như Vĩnh Hội, trong 1 năm qua không có thêm hộ dân ở chung cư này đi tạm cư.

Trong khi đó, ở quận Tân Bình, TP HCM chưa hộ dân nào trong chung cư 137 Lý Thường Kiệt và 149-151 Lý Thường Kiệt di dời.

Nhiều động thái gỡ khó

Theo Sở Xây dựng TP HCM, trên địa bàn thành phố hiện có 16 chung cư cấp D, với 1.194 căn hộ, trong đó thuộc sở hữu nhà nước 318 căn, sở hữu tư nhân 876 căn. Đến nay, thành phố đã di dời 674/1.194 hộ dân và một trong nhiều nguyên nhân chậm di dời tại không ít chung cư là quỹ nhà tạm cư chưa ổn.

Nói về loạt giải pháp, Sở Xây dựng cho hay từng đề xuất thành phố chấp thuận chủ trương giao toàn bộ phần sở hữu chung của chung cư Phú Thọ cho Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng (trực thuộc Sở Xây dựng) sửa chữa để có thể bàn giao cho quận Tân Bình, nhằm tổ chức di dời các hộ dân tại chung cư 137 và 149-151 Lý Thường Kiệt về tạm cư.

Hồi tháng 7-2024, sở cũng có công văn trình Chủ tịch UBND TP HCM về điều chỉnh Quyết định số 1158/2012 của Chủ tịch UBND TP HCM về xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với 490 căn hộ tại khu nhà ở Phú Thọ (khu A) trên phường 15, quận 11. Sau đó, thành phố có phiếu chuyển công văn này đến Sở Tài chính lấy ý kiến và cơ quan này đã có công văn phản hồi. Hiện nay, Sở Xây dựng rà soát hồ sơ pháp lý, tổng hợp, báo cáo UBND TP HCM.

Ngoài ra, Sở Xây dựng vừa có văn bản trình UBND TP HCM về việc giải quyết khó khăn trong công tác sửa chữa căn hộ và phần sở hữu chung tại các chung cư thuộc tài sản công do Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng quản lý. Trong đó, kiến nghị chấp thuận giao Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng làm đầu mối, chủ trì thực hiện việc sửa chữa căn hộ và phần sở hữu chung bảo đảm tiến độ theo đề xuất của TP Thủ Đức và 21 quận, huyện theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan góp ý trình tự thủ tục thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố.

Nóng lòng với chung cư cấp D- Ảnh 2.

Mối nguy từ chung cư cấp D mỗi ngày mỗi lớn


Chọn hướng phù hợp

Theo tìm hiểu, trước đó UBND TP HCM cũng chỉ đạo nhiều đầu việc về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, trong đó nhấn mạnh từ tháng 8-2022 đã có Quyết định 2786. Quyết định này ủy quyền cho UBND các quận và TP Thủ Đức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan thủ tục đầu tư cải tạo, xây dựng lại các chung cư được xây dựng trước năm 1975. 

Trong đó, phê duyệt và công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư trên địa bàn; xây dựng và ban hành tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tạm cư, tái định cư… Thời gian ủy quyền đến hết năm 2025.

Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương liên quan tới thủ tục, đất đai, bồi thường…

Thực tế, việc xây dựng lại chung cư cấp D trên địa bàn thành phố chậm vì gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu kêu gọi đầu tư và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong đó có việc chung cư ở vị trí bất lợi, chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc không hấp dẫn nhà đầu tư; khó khăn liên quan căn hộ sở hữu nhà nước…

Các chuyên gia cho rằng công tác kêu gọi đầu tư xây dựng lại chung cư cũ chưa mang lại thành công thì nhà nước cần đứng ra lo liệu, đóng vai trò chủ lực. Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM, điểm nghẽn trong việc di dời, xây dựng lại chung cư cấp D là nguồn vốn đầu tư. Các dự án không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp trong khi nhiều vị trí chung cư không có vị trí thuận lợi, chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc thấp thì khó hấp dẫn nhà đầu tư. Vì thế, vấn đề này cần được xem xét, mổ xẻ thấu đáo để có hướng đi phù hợp. 

Hoàn thành di dời một nửa

TP HCM đã di dời toàn bộ 454 hộ dân tại 8/16 chung cư. Cụ thể, quận 1 có chung cư 128 Hai Bà Trưng (94 hộ), chung cư 23 Lý Tự Trọng (81 hộ), chung cư 155-157 Bùi Viện (100 hộ); quận 4 có chung cư 6 Bis Nguyễn Tất Thành (26 hộ); quận Tân Bình có chung cư 40/1 Tân Phước (78 hộ), chung cư 47 Long Hưng (30 hộ) và chung cư 170-171 Tân Châu (24 hộ); quận 5 có chung cư 440 Trần Hưng Đạo (21 hộ).

Nóng lòng với chung cư cấp D- Ảnh 3.

Nằm tại quận 4, TP HCM, chung cư Tôn Thất Thuyết cũng trong danh sách di dời dở dang

Trong số này, chung cư 440 Trần Hưng Đạo đã di dời 21 hộ dân về tạm cư tại chung cư An Phú (quận 6). Người dân chỉ trả phí dịch vụ chung cư, không tốn tiền thuê nhà. Khu đất chung cư được quận đề xuất sử dụng cho mục đích công cộng vì không đủ tiêu chuẩn xây dựng lại chung cư mới.

Ngoài ra, di dời dở dang 220/466 hộ dân tại 4 chung cư.


Link nội dung: https://dautuforum.vn/nong-long-voi-chung-cu-cap-d-205807.html