Đã sẵn sàng xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng, việc chuẩn bị tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã sẵn sàng để đảm bảo nguồn lực ở mức cao nhất theo lộ trình phê duyệt.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035. Ảnh: Tạo bởi AI.

Chiều 29/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi Toạ đàm "Đường sắt tốc độ cao - Thời cơ và thách thức" với sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia, nhằm phân tích, luận bàn, làm rõ các vấn đề dư luận xã hội quan tâm liên quan đến dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Đã sẵn sàng nguồn lực tài chính

Trả lời câu hỏi về nguồn lực tài chính đầu tư dự án, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho hay thời gian qua, các bộ, ngành đã phối hợp rất chặt chẽ và thống nhất đưa ra 3 nhóm giải pháp điều hành tổng thể và 4 phương pháp huy động nguồn lực.

Đối với 3 nhóm giải pháp điều hành tổng thể, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết đầu tiên là đổi mới mô hình tăng trưởng, điều hành kinh tế xã hội linh hoạt, hiệu quả để góp phần tăng thu ngân sách hàng năm với tinh thần năm sau phải cao hơn năm trước.

Đồng thời, cần có giải pháp điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả, tập trung triệt để vào tiết kiệm và chống lãng phí để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Cuối cùng là sửa đổi thể chế và tháo gỡ các nút thắt trong việc thu hút nguồn lực trong lĩnh vực tài chính, đầu tư. "Giải pháp này Chính phủ đã có tờ trình trình Quốc hội thảo luận, thông qua trong kỳ họp này", ông Khắng nhấn mạnh.

Về 4 phương án huy động nguồn lực, theo ông Khắng, nguồn lực đầu tiên là xây dựng kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm cho 3 giai đoạn đến năm 2035 trên tinh thần chủ động, cân đối nguồn lực để đảm bảo đầy đủ nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách.

Kế hoạch này sẽ ưu tiên chi cho đầu tư phát triển, đặc biệt là các dự án quốc gia và trọng điểm trong ngành giao thông vận tải, bao gồm cả dự án đường sắt tốc độ cao, với tinh thần kết hợp ngân sách Trung ương và địa phương, trong đó ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo.

Thứ hai, cần thu hút nguồn lực thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất và kỳ hạn phù hợp, dựa trên điều kiện thị trường và tiến độ thực hiện các dự án.

Đồng thời, cũng cần phương án thu hút đầu tư trong nước, bao gồm cả hình thức hợp tác công tư.

Cuối cùng là huy động nguồn lực từ nước ngoài với các điều kiện ưu đãi, điều kiện đàm phán hợp lý và ít ràng buộc.

"Với 3 giải pháp và 4 phương án huy động nguồn lực như thế, chúng ta tin tưởng rằng công tác chuẩn bị tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao đã sẵn sàng để đảm bảo được nguồn lực về tài chính ở mức cao nhất theo lộ trình phê duyệt và tiến độ thực hiện dự án đảm bảo theo đúng chủ trương Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10", Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Thời điểm "chín muồi" để làm dự án

Trên thực tế, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy nhìn nhận tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được trình cấp có thẩm quyền vào năm 2011.

Tuy nhiên, nhu cầu nguồn vốn đầu tư lớn trong khi quy mô nền kinh tế còn rất khiêm tốn là một trong những băn khoăn khiến dự án vẫn chưa tiến hành tại thời điểm đó. Đồng thời, nợ công ở mức cao và các vấn đề liên quan đến tốc độ và công năng cũng là những trở ngại.

Còn ở hiện tại, với quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD và nợ công ở mức hợp lý khoảng 37% vào năm 2023, ông Huy cho rằng các điều kiện về nguồn lực đã không còn là thách thức lớn.

Bên cạnh đó, về mặt kỹ thuật, những trăn trở như lý do chọn tốc độ 350 km/h và công năng vận tải hành khách cũng đã được giải đáp qua một thập kỷ nghiên cứu, với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế và đoàn công tác tại 6 nước có đường sắt tốc độ cao phát triển.

"Như vậy, đây là thời điểm thích hợp để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quyết định trình Quốc hội xem xét, quyết định đầu tư", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.

cao toc bac nam anh 1

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương (trái) và Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Dương Tuấn.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định hiện đã có đầy đủ cơ sở để triển khai xây dựng tuyến đường sắt.

Theo ông, dự án này sẽ được chia làm 2 giai đoạn là đang trong quá trình xây dựng và giai đoạn đưa vào vận hành. Cả 2 giai đoạn đều tác động đến tăng trưởng kinh tế.

"Đây là dự án lớn nhất trong lịch sử đầu tư công của Việt Nam, với tổng chi ước tính khoảng 70 tỷ USD. Số tiền này, nếu triển khai đến năm 2035, sẽ tăng khoảng 0,97 điểm % cho GDP, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế", ông nói.

Đồng thời, công trình cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 7-8 lĩnh vực, bao gồm ngành xây dựng, các ngành phụ trợ cung cấp vật liệu, dịch vụ tài chính, ngân hàng, cũng như phát triển du lịch, đô thị xung quanh các ga...

Bên cạnh đó, dự án sẽ tạo ra nhiều việc làm và góp phần hiện đại hóa hệ thống giao thông vận tải, tăng năng suất và hiệu quả dịch vụ.

Đối với giai đoạn 2, khi đi vào khai thác, ông Phương nhấn mạnh đường sắt sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế, giảm chi phí logistics, góp phần đáng kể cho phát triển các ngành công nghiệp, ngành sản xuất kinh doanh có sử dụng đến tuyến đường sắt này.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Link nội dung: https://dautuforum.vn/da-san-sang-xay-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-hon-67-ty-usd-205191.html