Quỹ đầu tư 150 triệu USD mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng nắm 85% vốn sẽ rót tiền vào những đâu?

Quỹ đầu tư 150 triệu USD được tài trợ bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Vingroup.

Quỹ đầu tư 150 triệu USD mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng nắm 85% vốn sẽ rót tiền vào những đâu?- Ảnh 1.

Quỹ VinVentures được tài trợ bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Vingroup. Ảm: VGP

VinVentures là Quỹ đầu tư công nghệ mới được Tập đoàn Vingroup ra mắt vào ngày 28/10/2024. Quỹ VinVentures có tổng tài sản 150 triệu USD. Trong đó 100 triệu USD là danh mục đã đầu tư kế thừa từ Vingroup và 50 triệu USD dự kiến sẽ giải ngân trong 3 – 5 năm tới.

Theo tìm hiểu, CTCP Quỹ đầu tư mạo hiểm VinVentures được thành lập từ ngày 10/10/2024. VinVentures đặt trụ sở chính tại khu đô thị Vinhomes Riverside, quận Long Biên, Hà Nội. Trong đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng nắm giữ 85% vốn, Vingroup năm 10%. Cổ đông nắm giữ 5% còn lại là ông Phạm Nhật Minh Hoàng, con trai thứ của ông Phạm Nhật Vượng.

Theo giới thiệu trên website, VinVentures hướng đến các công ty khởi nghiệp một cách chiến lược trong những thị trường năng động của Việt Nam và Đông Nam Á. VinVentures hoạt động như một quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên nghiệp và cam kết không chỉ cung cấp vốn. Sứ mệnh của quỹ đầu tư này là mở rộng đến việc cung cấp cho các công ty khởi nghiệp một lợi thế độc đáo bằng cách tạo điều kiện cho những kết nối chiến lược trong hệ sinh thái của Vingroup, nơi mà các công ty này cũng có thể trở thành khách hàng tiềm năng cho các công ty khởi nghiệp.

Trọng điểm đầu tư của Quỹ VinVentures là Trí tuệ nhân tạo (AI); chất bán dẫn (Semiconductor), điện toán đám mây (Cloud) và các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Ngoài ra, VinVentures cũng mở ra cơ hội cho các startup ở các lĩnh vực khác nếu có tiềm năng tăng trưởng và có khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng, không nhất thiết giới hạn ở những startup liên quan đến Vingroup.

Trước mắt, phạm vi đầu tư của Quỹ VinVentures là thị trường Việt Nam, hướng tới các startup với đội ngũ sáng lập nội địa ở giai đoạn đầu (bao gồm giai đoạn hạt giống và giai đoạn Series A – giai đoạn 2 và 3/5 vòng gọi vốn startup). Trong tương lai, Quỹ VinVentures sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận tới những startup trong khu vực, nhất là tại các thị trường có đặc điểm phát triển tương đồng với Việt Nam như Singapore, Indonesia và Philippines.

Theo thông báo, điều kiện để Quỹ VinVentures đầu tư là các startup có tiềm năng phát triển bền vững, có tốc độ tăng trưởng tốt, các sản phẩm dịch vụ có khả năng thương mại hóa, ứng dụng thực tiễn cao và đội ngũ sáng lập có uy tín, kinh nghiệm. Đáng chú ý, các thương vụ sẽ được triển khai trên nguyên tắc đầu tư chuyên nghiệp. Trong đó, VinVentures sẽ mua cổ phần và trở thành cổ đông công ty, với kỳ vọng lợi nhuận cụ thể.

Theo VinVentures, về quy trình đầu tư, Quỹ và đơn vị được đầu tư sẽ tiến hành thực hiện theo các bước, bao gồm gặp gỡ, trao đổi thông tin, nghiên cứu sản phẩm, thị trường startup hướng đến, thẩm định đầu tư, ký thỏa thuận thương thảo và sau đó ký kết hợp đồng đầu tư. Thời gian từ khi startup nộp hồ sơ cho đến khi nhận được giải ngân có thể kéo dài từ 2 - 3 tháng. Với các thương vụ quy mô lớn, thời gian dự kiến tối đa lên 6 tháng.

Quỹ đầu tư 150 triệu USD mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng nắm 85% vốn sẽ rót tiền vào những đâu?- Ảnh 2.

Shark Lê Hàn Tuệ Lâm là Giám đốc Điều hành của Quỹ VinVentures. Ảnh: ST

Theo bà Lê Hàn Tuệ Lâm, người được giao vị trí Giám đốc Điều hành Quỹ VinVentures: " Bên cạnh việc góp vốn, giá trị đặc biệt mà VinVentures mang lại cho các startup chính là khả năng kết nối với các công ty trong hệ sinh thái của Vingroup ở cả hai vai trò là môi trường thẩm định, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, dịch vụ công nghệ cho các startup trước khi ra thị trường và khách hàng tiềm năng.

Ngoài ra, với mạng lưới và nguồn lực của một tập đoàn hàng đầu Việt Nam và khu vực, chúng tôi cũng sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ các startup kết nối với những đối tác lớn trên thị trường và là "bệ phóng" cho các startup tiềm năng trong tương lai ".

Đây không phải là lần đầu Vingroup đầu tư vào các startups công nghệ. Cụ thể, trước VinVentures, Vingroup đã đầu tư cho nhiều startup công nghệ thông qua các Quỹ như Vingroup Ventures, VinTech City. Theo đó, với nguồn lực mạnh từ tập đoàn, các startup đều phát triển thành công và có sản phẩm ra thị trường, thậm chí vươn lên vị thế hàng đầu trong lĩnh vực hoạt động như VinBigData, VinAI, VinBrain, VinCSS....

Tiếp nối sứ mệnh kiến tạo, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số của Vingroup, Quỹ VinVentures tạo điều kiện tối đa để các ý tưởng, sáng tạo công nghệ được hiện thực hóa, vươn ra thị trường Việt Nam và khu vực, đồng thời mở rộng nguồn thu cho tập đoàn.

Theo báo cáo Hệ sinh thái Khởi nghiệp Toàn cầu (GESER 2023) của Startup Genome, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam hiện đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, với tác động kinh tế ước tính lên tới 5,22 tỷ USD. Số lượng startup tại Việt Nam cũng tăng mạnh, từ khoảng 1.600 vào thời điểm đại dịch Covid-19 lên hơn 3.800 trong thời điểm hiện tại. Trong đó, các startups về AI chiếm gần 10% tổng số lượng.

Danh mục đầu tư của VinVentures hiện gồm những công ty nào?

Quỹ đầu tư 150 triệu USD mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng nắm 85% vốn sẽ rót tiền vào những đâu?- Ảnh 3.

Danh mục đầu tư của VinVentures hiện gồm 7 công ty này. Ảnh: VinVentures

Theo giới thiệu trên website, danh mục đầu tư của Quỹ VinVentures hiện bao gồm 7 công ty được cho là có tầm nhìn thúc đẩy sự thay đổi, bao gồm: StoreDot, ProLogium, AM Batteries, Autobrains, Eatron Technologies, Trovapage và Karamba Security.

Phần lớn những công ty này đều hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ, bán dẫn, AI…

StoreDot là nhà cải tiến pin EV có khả năng sạc nhanh, đảm bảo an toàn, tăng cường tính bền vững. Cụ thể, StoreDot sử dụng vật liệu nano hữu cơ được cấp bằng sáng chế và tối ưu hóa bằng AI, các cell năng lượng cao này được thiết kế để sản xuất hàng loạt hiệu quả.

ProLogium Technology là một công ty đổi mới năng lượng chuyên nghiên cứu, phát triển và sản xuất gốm lithium, cung cấp các giải pháp pin tiên tiến cho xe điện, thị trường tiêu dùng và các ứng dụng công nghiệp.

AM Batteries là công ty đang tiên phong trong công nghệ giúp giảm đáng kể việc sử dụng hóa chất và lượng khí thải carbon trong sản xuất điện cực. Bằng cách loại bỏ việc sử dụng dung môi, thu hồi và sấy khô, công ty này cắt giảm chi phí vốn, mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải CO2 trong ngành công nghiệp pin.

Autobrains là công ty cung cấp các giải pháp nhận thức cho ADAS và lái xe hoàn toàn tự động, từ đó mang lại hiệu suất được cải thiện đáng kể và giảm nhu cầu tính toán so với các tiêu chuẩn của ngành.

Eatron là công ty công nghệ phát triển nhanh, tập trung vào việc tối đa hóa tiềm năng của pin bằng phần mềm hỗ trợ AI dành cho các nhà sản xuất xe và pin toàn cầu. Đặc biệt, nền tảng edge-to-cloud của công ty này giúp nâng cao hiệu suất, độ an toàn và tính bền vững của pin trong các lĩnh vực ô tô và di động.

TrovaPage.com là một nền tảng thương mại xã hội nơi người dùng có thể đặt dịch vụ, đồng thời kiếm tiền bằng cách điều hành doanh nghiệp của riêng mình, cung cấp không gian để kết nối, quảng bá và phát triển các dự án kinh doanh.

Karamba Security là công ty cung cấp các giải pháp an ninh mạng toàn diện. Công ty này từng đoạt giải thưởng cho xe cộ và hệ thống được kết nối. Phần mềm của công ty giúp bảo vệ các hệ thống có nguồn lực hạn chế mà không làm gián đoạn các quy trình R&D hoặc chuỗi cung ứng.

Link nội dung: https://dautuforum.vn/quy-dau-tu-150-trieu-usd-ma-ty-phu-pham-nhat-vuong-nam-85-von-se-rot-tien-vao-nhung-dau-204826.html