Ngành làm đẹp cần làm gì để xây dựng và bảo vệ thương hiệu?

20/05/2023 00:27

THPL- Ngành làm đẹp là một trong những ngành có sự cạnh tranh rất cao nên các thương hiệu cần phải có một chiến lược xây dựng thương hiệu tốt để đối phó với sự cạnh tranh, thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ. Sự phát triển của kinh tế, đời sống vừa tạo cơ hội, vừa tạo thách thức cho ngành làm đẹp khi khách hàng trong ngành cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm, dịch vụ... Do đó, không chỉ xây dựng mà còn luôn luôn phải gìn giữ và bảo vệ tốt thương hiệu mà mình đã...

Để xây dựng được một thương hiệu lớn mạnh, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức cũng như các chi phí phục vụ cho việc tạo lập thương hiệu, chi phí truyền thông quảng bá. Để xây dựng và bảo vệ thương hiệu là một công việc đòi hỏi sự bền bỉ, liên tục không ngừng nghỉ và phải luôn đổi mới; xây dựng thương hiệu phải gắn chặt với công tác quản trị thương hiệu.

Theo khảo sát về ngành chăm sóc sức khỏe và làm đẹp toàn cầu do Viện Nghiên cứu Global Wellness Institute thực hiện, thị trường làm đẹp trị giá 4,5 ngàn tỷ USD. Hơn 48.000 cơ sở spa toàn châu Á đang chia sẻ doanh số 26,5 tỷ USD, trong đó có Việt Nam.

Làm đẹp cũng là một trong 5 xu hướng tiêu dùng trong những năm gần đây tại Việt Nam, ngoài sức khỏe, kinh tế xanh... Chính vì vậy, hiện nay số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực làm đẹp tương đối lớn. Doanh nghiệp được chia làm 3 phân khúc: Tầm cao là những doanh nghiệp lớn, đầu tư bài bản, có thương hiệu; Doanh nghiệp tầm trung với mức đầu tư vừa phải và những cơ sở nhỏ như gội đầu, làm nail, chăm sóc da…

Hiện nay Spa, thẩm mỹ chủ yếu gồm 2 dạng. Đầu tiên, chiếm đa số là những người học nghề, làm nghề lâu năm mở Spa. Những người này có kiến thức chuyên môn tốt, tuy nhiên những người đó lại không hiểu về nhu cầu khách hàng, kiến thức makerting thương hiệu để thu hút khách hàng. Họ cũng thiếu các kỹ năng quản lý tài chính - đầu tư vào cái gì, không nên đầu tư cái gì; kỹ năng quản trị nhân sự để giữ nhân viên đồng lòng, đoàn kết vì mục đích chung là khách hàng không rời bỏ.

Dạng thứ hai là những người ngoài ngành, có tài chính tốt. Họ nhìn thấy thị trường làm đẹp đầy triển vọng nên “nhảy vào". Họ đầu tư cơ sở to, đẹp với nhiều máy móc hiện đại. Tuy nhiên, vì không am hiểu về nghề dẫn đến tình trạng sử dụng mỹ phẩm không đạt chuẩn, ảnh hưởng tới khách hàng. Họ chi nhiều tiền cho quảng cáo để kéo khách hàng đến. Sau đó, vì mục tiêu kéo lại chi phí, sẽ có nhiều tiểu xảo được áp dụng. Nhiều khách hàng trải nghiệm dịch vụ của họ rồi thất vọng và truyền tai nhau, dẫn đến việc khách hàng mất niềm tin rồi rời bỏ.

Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu trong ngành làm đẹp là rất quan trọng. Thị trường làm đẹp đang phát triển mạnh mẽ và cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là trong thời đại số hóa và Internet hóa. Do đó, các chiến lược Marketing cho ngành làm đẹp trở nên rất quan trọng để giúp các thương hiệu tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả và đạt được lợi ích kinh doanh.

Hiện nay, lượng người dùng Internet ở Việt Nam đang không ngừng gia tăng. Đây chính là một kênh tạo chiến lược marketing trực tuyến hoàn hảo cho Spa và thẩm mỹ viện của bạn. Các thẩm mỹ viện hay spa có thể sử dụng internet để quảng cáo trực tuyến, chuyển tải thông tin đến khách hàng nhanh chóng, hiệu quả.

Để có một kế hoạch marketing cho spa trực tuyến hiệu quả đòi hỏi bạn phải có một nền tảng vững chắc. Website uy tín, Fanpage Facebook chất lượng hay các kênh Youtube, IG... thật đẹp và ấn tượng, chắc chắn sẽ thu hút khách hàng. Hãy thường xuyên cập nhật những thông tin hữu ích, bài viết, thảo luận trả lời khách hàng để tạo ấn tượng. Đặc biệt, triển khai nhiều kế hoạch Marketing như chương trình khuyến mãi, minigame, thẻ khách hàng thân thiết với những ưu đãi và phần quà hấp dẫn để thu hút thêm nhiều khách hàng cho Spa của mình.

Sau khi đã trải qua quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu, khi đã có những thành tựu nhất định, các doanh nghiệp sẽ nghĩ đến việc bằng cách nào đó bảo vệ được thương hiệu của mình khỏi sự xâm phạm từ các đối thủ cạnh tranh hoặc các đối tượng khác. Tuy nhiên pháp luật Việt Nam không coi thương hiệu là một loại tài sản có thể thiết lập quyền sở hữu cũng như có quy định xử lý vi phạm đối với thương hiệu. Cách duy nhất để các doanh nghiệp gìn giữ và bảo vệ thương hiệu của mình là thông qua nhãn hiệu - đối tượng được pháp luật cho phép đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Bảo hộ nhãn hiệu là một việc làm cần thiết nếu doanh nghiệp không muốn gặp phải những rủi ro và thiệt hại về lợi ích kinh tế sau này. Nếu nhãn hiệu không được bảo hộ, doanh nghiệp sẽ luôn trong tình trạng bị cướp đi thương hiệu, uy tín, khách hàng mà doanh nghiệp đã mất nhiều công sức để gây dựng.

Bảo hộ nhãn hiệu là bước đầu tiên, bước cơ bản, bước quan trọng nhất trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp.

Trong thời đại bùng nổ của công nghệ số marketing online đang dần được các doanh nghiệp vừa và nhỏ lựa chọn tiếp cận. Để tạo ra tiếp khách hàng mới và tăng lượng data khách hàng của spa thì chiến dịch marketing Online cần phải có mục tiêu rõ ràng để xác định đầy đủ insite của khách hàng. Thay vì theo phương thức truyền thống thì bạn có thể sử dụng marketing Online để đánh vào nhiều kinh khác nhau cũng như tạo bộ nhận diện thương hiệu với khách hàng để tăng thêm mức độ tin tưởng cũng như tiếp cận thêm được một số khách hàng mục tiêu.

Bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ tại spa, việc marketing cho spa bằng các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cũng đem lại nguồn lợi nhuận vô cùng lớn. Những khách hàng muốn tự chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp tại nhà sẽ có một địa chỉ uy tín, thuận tiện. Tuy nhiên, đừng vô hình biến Spa của mình thành cái chợ trời với vô số sản phẩm không liên quan. Đừng tự đánh mất thương hiệu của một thẩm mỹ viện, spa uy tín chỉ vì trót cung cấp những sản phẩm không rõ nguồn gốc và kém chất lượng.

Mai Ngọc

Bạn đang đọc bài viết "Ngành làm đẹp cần làm gì để xây dựng và bảo vệ thương hiệu?" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: dautuforum@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.