Khai phóng thương hiệu quốc gia, đưa Việt Nam vươn xa

11/03/2023 16:01

(THPL) - "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh trong những sự kiện trọng đại của đất nước. Hai tiếng Việt Nam đã và đang vang xa 5 châu, 4 biển với những dấu ấn và bản sắc rất riêng.

Ghi dấu ấn mạnh mẽ

Nhà ngoại giao kỳ cựu Tôn Nữ Thị Ninh từng nói rằng thương hiệu quốc gia chính là linh hồn của dân tộc và câu hỏi thường trực cần phải đặt ra “Ta là ai?”, “Ta muốn là gì?”.

Theo bà, thương hiệu quốc gia - thương hiệu Việt cần được sự công nhận của thế giới bên ngoài cùng với sự lan tỏa của các giá trị cốt lõi. Chẳng hạn khi nghĩ đến Nhật Bản, người ta nghĩ ngay đến đất nước của sự hài hòa trong mọi khía cạnh của cuộc sống và đòi hỏi thẩm mỹ cao đến độ khắt khe. Vì vậy, để tìm ra linh hồn của thương hiệu quốc gia, người Việt cũng thử so sánh mình với người Nhật, Trung Quốc, Thái Lan... xem giá trị cốt lõi của dân tộc mình là gì.

Khoảnh khắc lịch sử khi con tàu chở lô hàng ô tô điện Vinfast đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đi qua cầu Cổng Vàng nổi tiếng, đánh dấu bước tiến lớn của thương hiệu Việt Nam "Brand of Vietnam"

“Việt Nam không chỉ là tên của một cuộc chiến, mà là một đất nước” - câu nói của cố Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai. Điều này có nghĩa, Việt Nam không phủ nhận lịch sử, nhưng được nhìn với hình ảnh mới mẻ của một đất nước đang sống lại, vượt lên quá khứ với tràn đầy sinh lực.
Trong thời gian qua, trên mọi phương diện, thương hiệu quốc gia đã dần được khai phóng, lan tỏa với thế giới về một Việt Nam tích cực, trách nhiệm, yêu chuộng hòa bình, từng bước hội nhập và phát triển không ngừng.

Trên mặt trận đối ngoại, Việt Nam là một đối tác tin cậy, thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình nhưng cũng là một dân tộc bất khuất và đã giành được thắng lợi trong việc bảo vệ nền độc lập của mình.

Những năm gần đây, Việt Nam tạo ấn tượng rất lớn khi đóng góp tích cực và có trách nhiệm đối với các vấn đề quốc tế như đăng cai Hội nghị cấp cao APEC 2017, Thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019, Chủ tịch ASEAN 2020; đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025; đảm nhiệm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77…

Tinh thần cống hiến, làm việc trách nhiệm, tận tụy của các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cũng đã làm tỏa sáng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu hòa bình, vì cộng đồng nhân loại thịnh vượng và phát triển. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân của Việt Nam vinh dự được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quốc tế quan trọng như Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử vào vị trí thành viên Ủy ban Luật quốc tế của Liên hợp quốc (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027.

Những người lính mũ nồi xanh Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ làm tỏa sáng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu hòa bình, thịnh vượng và phát triển. 

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19, Việt Nam dù gặp không ít khó khăn nhưng đã hỗ trợ về nhân lực, thiết bị và chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống đại dịch với các nước, qua đó làm sáng lên một tinh thần nhân văn Việt Nam “tương thân, tương ái”.

Tìm chỗ đứng vững chắc

Trên mặt trận kinh tế, những con số được thống kê là minh chứng cho một thương hiệu Việt không ngừng phát triển và củng cố. 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm nay. Điều này cho thấy Việt Nam đang tham gia tích cực và sâu rộng vào tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Nhiều thương hiệu Việt gây được tiếng vang, có chỗ đứng trên thị trường khu vực và quốc tế.

Việt Nam nằm trong nhóm các nước có thương hiệu mạnh, tăng từ 388 tỷ USD lên 431 tỷ USD trong hai năm qua và là điểm sáng trong bức tranh xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới.

Bất chấp những hậu quả về đại dịch COVID - 19 và những xung đột, bất ổn về địa chính trị đang diễn ra trên thế giới, nhiều nước đã không duy trì được thứ hạng của thương hiệu quốc gia nhưng theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam vẫn duy trì và tiếp tục được nâng hạng trong Top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Cụ thể, nếu như năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 42, năm 2020 tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33, năm 2021 duy trì vị trí thứ 33 và năm 2022 tăng hạng 1 bậc lên vị trí thứ 32.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ trao giải thương hiệu quốc gia Việt Nam

Về tăng trưởng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, Brand Finance đánh giá trong Top 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam, mức tăng trưởng về giá trị cũng rất cao là 36%, so với mức tăng trưởng ở Singapore là 22%, ở Indonesia là 22%, ở Ấn Độ là 16%, ở Malaysia là 10%, ở Trung Quốc là 6%, ở Nhật Bản là 5% và ở Thái Lan là 4%.

Hiện nay, Việt Nam là thành viên của 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là CPTPP và RCEP, điều này sẽ tạo nhiều cơ hội hơn nữa để hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từng bước nâng tầm thương hiệu hàng hóa Việt.

Việt Nam cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm như Vinfast để nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế. Ảnh: QĐND

Vẫn còn nhớ câu chuyện của nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh kể lại vào năm 1990, một người bạn Mỹ đã nói với bà: “Bà Ninh ạ, Việt Nam lúc này có nhiều nơi nghèo khổ giống như một số quốc gia mà tôi từng làm việc. Thế nhưng, tôi chưa bao giờ có cảm giác phải thương hại người Việt. Tôi đã từng gặp những người nghèo nhất, ở những vùng đất xa xôi nhất của Việt Nam, nhưng họ rất khác với những người nghèo khổ an phận ở nhiều nơi khác. Ở họ, dù hoàn cảnh ra sao vẫn toát lên sức sống mạnh mẽ, khao khát thay đổi mạnh mẽ. Nếu có một dân tộc nào xứng đáng có một vị trí đặc sắc trong con mắt của thế giới, đó phải là Việt Nam”.

Đúng như vậy, ở người Việt Nam, dù hoàn cảnh có ra sao thì vẫn luôn khát khao hướng về phía trước. Dù là ai, hoạt động trong lĩnh vực nào vẫn luôn nỗ lực hết mình, mạnh mẽ vượt qua khó khăn, kiên trì nắm bắt cơ hội. Mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều có thể là một “đại sứ”, đóng góp tích cực cho thương hiệu quốc gia, đưa Việt Nam bay cao, bay xa hơn nữa!

Phương Hà

Bạn đang đọc bài viết "Khai phóng thương hiệu quốc gia, đưa Việt Nam vươn xa" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: dautuforum@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.