'Đỏ mắt' tìm sản phẩm du lịch mới cho Đồng bằng bằng sông Cửu Long

29/09/2022 11:00

Chính vì điều kiện tự nhiên tương đồng, sản phẩm du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong thời gian qua có sự na ná nhau, chưa có dấu ấn riêng của mỗi địa phương, đây là hạn chế lớn nhất trong phát triển du lịch tại vùng này.

0037(1)

ĐBSCL có 4 khu Ramsar với diện tích gần 80.000ha, đây là chất liệu quý trong phát triển du lịch xanh. Ảnh TL

Chưa có sản phẩm mới

Khu vực ĐBSCL, ngoài Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), các địa phương còn lại có sản phẩm du lịch na ná, trùng lắp nhau.

Tour đặc trưng của vùng này là trải nghiệm du lịch sông nước, tham quan vườn cây, làng nghề, thưởng thức ẩm thực vùng sông nước, xem biểu diễn đàn ca tài tử Nam Bộ. Một số địa phương khác có các khu bảo tồn, di tích như Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang thì có thêm sản phẩm như: trải nghiệm rừng ngập mặn U minh Hạ, U Minh thượng, tham quan vườn quốc gia Tràm Chim, chiêm bái tại các khu du lịch tâm linh. 

Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, chuyên gia tư vấn du lịch: trong những năm qua, các địa phương trong vùng ĐBSCL chủ yếu khai thác du lịch dựa vào những cái sẵn có mà chưa có sự đầu tư chăm chút nâng cấp các sản phẩm này lên tầm cao hơn.

"Đồng ý là điều kiện tự nhiên giống nhau nhưng khi phát triển sản phẩm du lịch thì phải có ý tưởng khác nhau, tránh trùng lắp gây nhàm chán cho du khách", ông Huê khuyến cáo.

Theo ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL từ giữa năm 2008 (sau Đại hội thành lập Hiệp hội Du lịch ĐBSCL) Hiệp hội đã xây dựng tiêu chí bình chọn "Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL".

Trong giai đoạn 2009-2011, Hiệp hội đã bình chọn được 9 điểm. Đến năm 2015, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL bình chọn được 31 điểm du lịch tiêu biểu. Đến nay, toàn vùng ĐBSCL có 43 điểm du lịch tiêu biểu, trong đó có 31 điểm được tái công nhận và 5 điểm được xét công nhận mới.

Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL là nơi có tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa được đầu tư, hình thành các sản phẩm du lịch nổi bật, được du khách đánh giá cao.

Tuy nhiên, khi đánh giá về những điểm du lịch hiện có tại khu vực này, Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL Trần Việt Phường cho rằng phần lớn điểm du lịch tiêu biểu là sản phẩm cũ được tái công nhận, mà chưa có nhiều sản phẩm mới. Do chậm phát triển sản phẩm du lịch mới đã làm cho du lịch của khu vực ĐBSCL kém hấp dẫn du khách.

"Trong thời gian tới Hiệp hội Du lịch ĐBSCL sẽ phối hợp với các cơ quan nhà nước về quản lý du lịch, tiếp tục quy hoạch, xây dựng và phát triển thêm các điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL, nhất là các địa phương chưa có điểm du lịch nào được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL.

Bên cạnh đó các "Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL" không chỉ phát triển về số lượng, chất lượng mà còn phải hướng đến sản phẩm mới và làm mới sản phẩm hiện có nhằm đáp ứng yêu cầu của du khách trong giai đoạn mới", ông Phường nhấn mạnh.

than quan rung tram tra su

Du khách thích thú với sản phẩm du lịch sinh thái, khám phá các khu rừng ngập nước. Ảnh NQ

Kỳ vọng các dự án lớn

Cả nước có 9 khu Ramsar (Công ước quốc tế bảo tồn và sử dụng hợp lý đất ngập nước và các nguồn tài nguyên từ đất ngập nước), Riêng khu vực ĐBSCL đã có 4 khu Ramsar ( Vườn quốc gia U Minh Thượng, U Minh Hạ, Tràm Chim và Khu bảo tồn ngập nước Láng Sen) với diện tích gần 80.000ha.

Ngoài ra, khu vực này còn có nhiều khu đất ngập nước, rừng nhiệt đới có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế đó là rừng tràm Trà Sư (An Giang), Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang), vườn quốc gia Phú Quốc (Kiên Giang)…

Đối với nhà đầu tư du lịch chuyên nghiệp, các khu Ramsar, rừng đặc dụng chính là chất liệu quý giá để phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh-sản phẩm du lịch đang được ưa chuộng hiện nay. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia về du lịch thì hiện nay Việt Nam còn nhiều hạn chế trong thu hút đầu tư phát triển du lịch từ chất liệu quý này.

Sự kiện Tập đoàn SunGroup chuẩn bị đầu tư khu du lịch sinh thái quy mô lớn tại tỉnh Hậu Giang đã dấy lên niềm kỳ vọng khu vực ĐBSCL sẽ có được một khu du lịch có "tầm cỡ" để "kéo" khách du lịch về với vùng đất này ngày càng nhiều hơn.

Về phát triển loại hình du lịch sinh thái dưới tán rừng như đề xuất của Tập đoàn SunGroup cũng đã được một doanh nghiệp ở tỉnh An Giang đầu tư khai thác rất hiệu quả.

Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư thuộc địa bàn xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang được công nhận là "rừng đặc dụng – bảo vệ cảnh quan" nằm trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam và vùng rừng ngập nước quanh năm tiêu biểu cho khu vực Tây Sông Hậu.

Với diện tích 845 ha cùng cảnh quan đặc sắc trong mùa nước nổi, rừng tràm Trà Sư có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn đất ngập nước tại khu vực ĐBSCL.

Vào giữa năm 2018 Công Ty Cổ Phần Du Lịch An Giang (An Giang Tourimex) đã ký hợp đồng thuê môi trường tại phân khu Dịch vụ - Hành chính của khu rừng tràm này với diện tích 156ha để khai thác du lịch sinh thái.

Sau khi tiếp nhận dự án, An Giang Tourimex đã đầu tư cải tạo cảnh quan, mua sắm thêm phương tiện chở du khách tham quan và phát triển thêm nhiều dịch vụ phục vụ du khách. Đặc biệt An Giang Tourimex còn đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cầu tre dài 10km phục vụ du khách tản bộ tham quan, khám phá khu rừng.

"Cầu tre vạn dặm" tại khu du lịch này cũng được Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là cầu tre dài nhất, đây là điểm nhấn khác biệt của khu du lịch này. 

Từ chỗ là cánh rừng nguyên sơ, dịch vụ du lịch "nghèo nàn", nhưng sau khi có bàn tay của nhà đầu tư "chuyên nghiệp", khu du lịch rừng tràm Trà Sư đang nổi lên là điểm đến không thể bỏ qua cho du khách mỗi khi đến với tỉnh An Giang.

Theo số liệu từ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, 9 tháng đầu năm 2022 vùng ĐBSCL đã thu hút trên 32 triệu lượt khách du lịch, tăng gần 70% so cùng kỳ năm 2021, nhưng giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19).

Trong đó khách quốc tế chỉ khoảng 190.000 lượt, bằng 7,23% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu du lịch khu vực ĐBSCL trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 23.800 tỷ đồng, tăng hơn 72% so với cùng kỳ năm 2021.

Bạn đang đọc bài viết "'Đỏ mắt' tìm sản phẩm du lịch mới cho Đồng bằng bằng sông Cửu Long" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: dautuforum@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.